About Us Quan hệ song phương

Quan hệ Ấn Độ – Việt Nam

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam bén rễ từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cùng chia sẻ tình hữu nghị song phương truyền thống thân thiết và gần gũi. Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những vị Cha già của Dân tộc Ấn Độ và Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh anh dũng chống lại chủ nghĩa thực dân. Ấn Độ cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế được thành lập theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Việt Nam. Ban đầu, Ấn Độ duy trì quan hệ cấp Lãnh sự quán với miền Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam, sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam thống nhất vào ngày 7 tháng 1 năm 1972.

2. Quan hệ song phương giữa hai nước được nâng lên tầm “Đối tác Chiến lược” trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007. Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quan hệ song phương được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Sự phát triển hiện tại của quan hệ Ấn Độ-Việt Nam được định hướng bởi “Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người” mang tính lịch sử được Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong Hội nghị cấp cao trực tuyến được tổ chức vào ngày 21 tháng 12 năm 2020. Ngay bên lề Hội nghị cấp cao trực tuyến, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng đã ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023 nhằm thực hiện Tầm nhìn chung này. Thủ tướng Narendra Modi và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm vào ngày 15 tháng 4 năm 2022. Trong năm 2022-2023, hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng trùng với kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của Ấn Độ “Aazadi Ka Amrit Mahotsav”.

I. GIAO ĐỔI CHÍNH TRỊ

Các cuộc họp gần đây:

3. Trong bối cảnh hạn chế liên quan đến dịch Covid-19, Hội nghị cấp cao Ấn Độ - Việt Nam đã được tổ chức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 21 tháng 12 năm 2020. Ngày 17 tháng 12 năm 2020, Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Tiến sĩ S. Jaishankar và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh được tổ chức vào ngày 25 tháng 8 năm 2020 dưới hình thức trực tuyến. Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Ngài Om Birla thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/4/2022 trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ ông Rajnath Singh thăm Việt Nam từ ngày 8-10 tháng 6 năm 2022. Quốc Vụ Khanh về Ngoại giao, Tiến sĩ Rajkumar Ranjan Singh đã tham dự Hội nghị Horasis Ấn Độ-2022 tổ chức tại tỉnh Bình Dương (Việt Nam) vào ngày 25-26 tháng 9 năm 2022.

4. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-3/9/2016. Tổng thống Ấn Độ khi đó là ông Ram Nath Kovind thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18-20/11/2018. Sau đó Phó Tổng thống Ấn Độ M. Venkaiah Naidu thăm Việt Nam từ ngày 09-12/5/2019 để có bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16. Bộ trưởng Ngoại giao, Bà Sushma Swaraj thăm Việt Nam dự Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 16 và Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 3 từ ngày 26-28/8/2018.

Chuyến thăm từ Việt Nam

5. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 19-22/11/2013. Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 02-04/3/2018. Thủ tướng Việt Nam Ông Nguyễn Xuân Phúc thăm New Delhi từ ngày 24-26 tháng 1 năm 2018 để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ 2018, và tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ với tư cách là một trong những khách mời chính. Phó Chủ tịch nước Việt Nam Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 11-13 tháng 2 năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 15-19 tháng 12 năm 2021. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ đặc biệt được tổ chức tại New Delhi vào ngày 16-17 tháng 6 năm 2022 để kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ.

Cơ chế thể chế

6. Cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Tham vấn chính trị cũng như Đối thoại Chiến lược ở cấp Thứ trưởng cung cấp khuôn khổ chính cho đối thoại song phương bao gồm tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm. Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 16 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 năm 2018 trong khi Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 17 được tổ chức trực tuyến vào ngày 25 tháng 8 năm 2020 do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chủ trì. Tham vấn cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lần thứ 12 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2022.

7. Kỳ họp lần thứ 4 của Tiểu ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về Thương mại ở cấp Thứ trưởng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 1 năm 2019. Đối thoại Chính sách Quốc phòng thường niên cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ 13 được tổ chức trực tuyến vào ngày 12 tháng 1 năm 2021. Trong số các cuộc đối thoại thể chế quan trọng khác, Đối thoại An ninh Hàng hải Ấn Độ-Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 4 năm 2021 dưới hình thức trực tuyến sau vòng đầu tiên tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2019. Đối thoại hoạch định chính sách lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao được tổ chức vào tháng 9 năm 2020.

8. Trao đổi nghị viện là một nội dung quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và có khuôn khổ thể chế được quy định tại Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Hạ Viện Ấn Độ và Quốc hội Việt Nam vào tháng 12 năm 2016. Các hoạt động giao lưu gần đây nhất là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ từ ngày 15-19/12/2021 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla từ ngày 19-21/12/2021. Tháng 4 năm 2022, nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ của Quốc hội Việt Nam được thành lập do ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Quốc gia, làm Trưởng đoàn.

II. THƯƠNG MẠI, KINH TẾ VÀ HỢP TÁC PHÁT TRIỂN

Thương mại song phương

9. Có một Tiểu ban chung về Thương mại và trao đổi ở cấp cán bộ trong các lĩnh vực cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và kinh tế giữa hai nước. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Theo dữ liệu của Ấn Độ cho năm tài chính từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, thương mại song phương đạt mức tăng trưởng 27% và đạt 14,14 tỷ USD. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 6,70 tỷ USD (tăng 34%) trong khi nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 7,44 tỷ USD (tăng 21%). Việc trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp, tham gia triển lãm và hội thảo kinh tế cũng hỗ trợ quan hệ kinh tế.

10. Rổ xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm sắt thép, bông, ngũ cốc, thịt và sản phẩm thủy sản, máy móc và thiết bị điện, phụ tùng ô tô, các sản phẩm bằng đá, xi măng, thạch cao, giấy và các sản phẩm từ giấy, nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm da, hữu cơ và hóa chất vô cơ, dược phẩm cũng như thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó rổ hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam chủ yếu bao gồm thiết bị điện và điện tử, hóa chất vô cơ, máy móc và thiết bị cơ khí, sản phẩm nhựa, đồng và cao su, cà phê và chè, gia vị, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, giày dép, phân bón, kim loại, lụa, thiết bị quang học, y tế và phẫu thuật.

Đầu tư vào Việt Nam

11. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam ước tính khoảng 1,9 tỷ USD, bao gồm cả đầu tư qua các nước thứ ba. Theo Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, tính đến tháng 12/2021, Ấn Độ có 342 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD tại Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chính của Ấn Độ là năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường, chè, cà phê, hóa chất nông nghiệp, CNTT và linh kiện ô tô. Phòng Thương mại Ấn Độ cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam thông qua sự hiện diện của nó tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

12. Tính đến năm 2021, Việt Nam có 6 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư ước tính là 28,55 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng.

Đối tác phát triển

13. Ấn Độ có quan hệ đối tác phát triển lâu dài với Việt Nam đồng thời có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực, các mục tiêu phát triển bền vững và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam cũng là một đối tác trong khuôn khổ ASEAN và khuôn khổ Mekong Ganga của Ấn Độ.

Các dự án tác động nhanh tại Việt Nam

14. Quan hệ đối tác phát triển lâu dài của Ấn Độ với Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ấn Độ đã và đang thực hiện hợp tác với Việt Nam thông qua các thỏa thuận song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN. Trong khuôn khổ Hợp tác Mekong Ganga, Ấn Độ đã công bố sáng kiến Dự án tác động nhanh (QIP) cho Việt Nam và một số quốc gia khác. Kể từ năm 2017, Ấn Độ đã thực hiện các Dự án Tác động Nhanh (QIP) ở nhiều tỉnh của Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng ở cấp cơ sở.

15. QIPs đặc biệt hỗ trợ cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội với quy mô nhỏ như xây dựng lớp học, nhà dưỡng lão, tạo thuận lợi cho tưới tiêu bằng cách xây dựng kênh mương và cầu ở nông thôn do chính quyền Việt Nam đề xuất và việc thực hiện được giao cho các cơ quan được các tỉnh của Việt Nam chỉ định với sự phối hợp cả Chính phủ Đại sứ quán Ấn Độ. QIP đã mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng ở cấp địa phương. Các tỉnh của Việt Nam đặt biệt quan tâm tới các dự án QIP này. Trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ và Việt Nam vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, Ấn Độ đã quyết định nâng số lượng dự án QIP từ 5 lên 10 dự án mỗi năm tại Việt Nam. Cho đến nay, 37 dự án QIP đã được hoàn thành tại 23 tỉnh của Việt Nam và 10 dự án khác đang ở giai đoạn hoàn thiện tại 10 tỉnh khác. Mười dự án khác đang ở trong quá trình hoàn thiện thủ tục và xin xét duyệt từ chính phủ ở Việt Nam dựa trên tham vấn hai bên. Các dự án QIP trải rộng trên nhiều tỉnh và đã nhận được sự hỗ trợ và đánh giá cao từ cộng đồng và chính quyền địa phương ở Việt Nam.

16. Chi tiết về các dự án QIP được thực hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây có tại liên kết dưới đây:

https://drive.google.com/file/d/1SBJVhil9VTgzVdbj4yR6J59DNJS7uaLW/view?usp=sharing

III. ĐỐI TÁC QUỐC PHÒNG

17. Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các hoạt động giao lưu định kỳ giữa các cơ quan quốc phòng, an ninh của hai nước. Bản ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng được ký giữa hai Bộ Quốc phòng năm 2009 và Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng được các Bộ trưởng Quốc phòng ký năm 2015 đã cung cấp khuôn khổ thể chế cho hợp tác này. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông Rajnath Singh tới Việt Nam vào tháng 6 năm 2022 đã thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, bao gồm việc ký kết “Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Đối tác Quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam hướng tới năm 2030” và “Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần lẫn nhau”. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và người đồng cấp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang gặp nhau bên lề Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) vào ngày 22/11 tại Siem Reap, Campuchia vào tháng 11/2022.

18. Bên cạnh hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai bên, Việt Nam và Ấn Độ cũng đa dạng hóa sang các cuộc đối thoại và trao đổi quân sự rộng rãi hơn cùng với những chương trình đào tạo và diễn tập song phương. Hợp tác trong Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một lĩnh vực hợp tác tích cực khác của chúng ta. Hợp tác công nghiệp quốc phòng cũng là một lĩnh vực trong quan hệ quốc phòng. Tháng 6/2022, 12 tàu tuần tra cao tốc do nhà sản xuất Ấn Độ M/s Larsen & Toubro chế tạo đã được bàn giao cho Việt Nam.

19. Các tàu Hải quân Ấn Độ INS Sahyadri và INS Kadmatt đã ghé cảng Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26 tháng 6 năm 2022 để tiếp nối các hoạt động trao đổi tàu trước đây giữa hai bên. Diễn tập quân sự song phương được tổ chức định kỳ, trong đó có diễn tập hàng hải vừa qua với sự tham gia của tàu khu trục VPNS Lý Thái Tổ (HQ-012) của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tàu khu trục nhỏ 016 Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ vào tháng 2 năm 2022 để tham gia Cuộc tập trận hải quân đa phương MILAN tại Vishakhapatnam, Ấn Độ.

IV. HỢP TÁC VĂN HÓA và HỌC THUẬT

20. Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda (SVCC) được thành lập tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2016 nhằm tăng cường hiểu biết về Ấn Độ và thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ hơn giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi văn hóa. Trung tâm tổ chức các chương trình văn hóa, hội thảo, triển lãm ảnh, chiếu phim, diễn thuyết trong nhiều lĩnh vực như Yoga, múa cổ điển Ấn Độ, nghệ thuật và triết học, ngôn ngữ, y học cổ truyền, di sản chung Phật giáo và Chăm, v.v. SVCC có một bộ sưu tập hơn 2.500 cuốn sách, tạp chí, CD và DVD về các khía cạnh khác nhau của nghệ thuật, văn hóa, thiên nhiên, du lịch, v.v. SVCC cũng hợp tác với các trường đại học, học viện, viện nghệ thuật và các tổ chức hữu nghị của Việt Nam.

21. Hai nước cũng có các hoạt động trao đổi thường xuyên ở cấp tỉnh, các viện nghiên cứu, các cơ quan cố vấn và đoàn thanh niên. Một số hoạt động trao đổi gần đây giữa Ấn Độ và Việt Nam bao gồm chuyến thăm của phái đoàn tỉnh Khánh Hào đến Ấn Độ (10-15 tháng 9), chuyến thăm của đoàn văn hóa ICCR đến Việt Nam (12-14 tháng 11) và chuyến thăm của một đoàn thanh niên từ Ủy ban Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào tháng 11 năm 2022. Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là hai trong số các trung tâm trọng điểm tại Việt Nam tập trung vào nghiên cứu Ấn Độ và hợp tác học thuật với các tổ chức Ấn Độ.

V. GIAO LƯU GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

22. Việt Nam là đối tác quan trọng trong chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật của Ấn Độ (ITEC) thông qua các khóa học ngắn hạn tại các tổ chức của Ấn Độ cho hơn 200 học viên hàng năm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đối tác của chúng tôi về các chương trình e-ITEC. Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ hàng năm cũng trao gần 50 suất học bổng cho sinh viên, học giả Việt Nam và đề xuất chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ cho các nước ASEAN cũng nhận được phản hồi tốt từ Việt Nam.

VI. DU LỊCH VÀ GIAO LƯU NHÂN DÂN

23. Sau khi Covid-19 hạ nhiệt và các đường bay thẳng giữa hai nước được nối lại vào tháng 10/2020, du lịch hai chiều và giao lưu nhân dân đang chứng kiến một cú hích mới. Các chuyến bay thẳng của Indigo, Vietnam Airlines và Vietjet Air kết nối ít nhất 4 thành phố của cả hai bên (Delhi, Mumbai, Kolkata, Ahmedabad ở Ấn Độ và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phú Quốc ở Việt Nam). Chế độ thị thực đơn giản hóa cung cấp thị thực điện tử theo cả hai hướng hỗ trợ việc đi lại và du lịch ở cả hai quốc gia vì mục đích giải trí, kinh doanh và văn hóa.

24. Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức nhiều sự kiện để kỷ niệm 150 năm ngày sinh Mahatma Gandhi trong các năm 2019 và 2020 và chính phủ hai nước đã cùng phát hành bộ tem kỷ niệm ngày sinh Mahatma Gandhi vào ngày 2 tháng 10 năm 2019. Theo sáng kiến “Ấn Độ vì Nhân loại”, hai bên đã tổ chức ít nhất 4 chương trình lắp chân tay giả (Jaipur Foot) tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Yên Bái của Việt Nam.

25. Yoga rất phổ biến đối với người dân Việt Nam và Đại sứ quán cùng với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Ngày Quốc tế Yoga tại nhiều địa điểm ở Việt Nam vào tháng 6 hàng năm. Vào tháng 6 năm 2022, lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 8 đã được tổ chức tại 25 địa điểm ở Việt Nam.

Cộng đồng Ấn Độ tại Việt Nam

26. Gần 6000 người Ấn Độ, bao gồm cả du khách ngắn hạn đã tạo thành cộng đồng người Ấn Độ tại Việt Nam. Phần lớn trong số họ cư trú ở trong hoặc xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ở miền Nam Việt Nam. Hầu hết các thành viên của cộng đồng là các chuyên gia làm việc trong các công ty và lĩnh vực kinh doanh và thương mại như CNTT, khách sạn/nhà hàng, khai thác mỏ, cơ sở yoga, hàng không dân dụng và trường học. Các doanh nghiệp Ấn Độ như ONGC Videsh Limited, Bank of India, Bharat Electronics Limited, Hindustan Computers Limited… đã có mặt tại Việt Nam.

***

Tổng hợp các chuyến thăm cấp cao giữa Ấn Độ và Việt Nam

STT

Tên/Chức danh

Ngày đến thăm

Mục đích

Chuyến thăm từ Việt Nam tới Ấn Độ

  1.  

Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tháng 4 năm 1955

Thăm Ấn Độ trên đường dự Hội nghị  Bandung

  1.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh

5-14 tháng 2 năm 1958

Chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Ấn Độ

  1.  

Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tháng 2 năm 1978

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tháng 4 năm 1980

Thăm chính thức

  1.  

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn

21-26 tháng 9 năm 1984

Thăm chính thức

  1.  

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh

23-28 tháng 1 năm 1989

Thăm chính thức

  1.  

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười

8-13 tháng 9 năm 1992

Thăm chính thức

  1.  

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười

Tháng 7 năm 1995

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Võ Văn Kiệt

7-9 tháng 3 năm 1997

Thăm chính thức

  1.  

Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Tháng 12 năm 1999

Thăm chính thức

  1.  

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Tháng 3 năm 2002

 
  1.  

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh 

29 tháng 4 – 2 tháng 5 năm 2003

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

4-6 tháng 7 năm 2007

Thăm cấp nhà nước

  1.  

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

30 tháng 9 – 5 tháng 10 năm 2009

 
  1.  

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

11-13 tháng 10 năm 2011

Thăm cấp nhà nước

  1.  

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

19-22 tháng 11 năm 2013

Thăm cấp nhà nước

  1.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

27-29 tháng 10 năm 2014

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

24-26 tháng 1 năm 2018

Hội nghị kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ

  1.  

Chủ tịch Trần Đại Quang

2-4 tháng 3 năm 2018

Thăm cấp nhà nước

  1.  

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

11-13 tháng 2 năm 2020

 

Chuyến thăm từ Ấn Độ tới Việt Nam

  1.  

Thủ tướng Jawaharlal Nehru 

Tháng 10 năm 1954

Chuyến thăm đầu tiên của một chính trị gia nước ngoài tới Việt Nam sau giải phóng

  1.  

Phó Tổng thống Sarvepalli Radhakrishnan

Tháng 9 năm 1957

 
  1.  

Tổng thống Rajendra Prasad

Tháng 3 năm 1959

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Rajiv Gandhi 

Tháng 11 năm 1985

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Rajiv Gandhi 

Tháng 4 năm 1988

Thăm Việt Nam

  1.  

Thủ tướng Rajiv Gandhi 

Tháng 12 năm 1988

Thăm chính thức

  1.  

Tổng thống R. Venkataraman 

Tháng 4 năm 1991

Thăm chính thức

  1.  

Phó Tổng thống K. R. Narayanan

Tháng 9 năm 1993

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng S. Narasimha Rao 

Tháng 9 năm 1994

Thăm chính thức

  1.  

Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee 

Tháng 1 năm 2001

Thăm chính thức

  1.  

Tổng thống Pratibha Devisingh Patil 

24-28 tháng 11 năm 2008

Thăm chính thức

  1.  

Tổng thống Pranab Mukherjee

16-17 tháng 9 năm 2014

Thăm cấp nhà nước

  1.  

Thủ tướng Narendra Modi

2-3 tháng 9 năm 2016

Thăm chính thức

  1.  

Tổng thống Ram Nath Kovind 

18-20 tháng 11 năm 2018

Thăm cấp nhà nước

  1.  

Phó Tổng thống Venkaiah Naidu 

9-12 tháng 5 năm 2019

Đại lễ Vesak