About Us Thông cáo báo chís

Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Việt Nam lần thứ 17

Posted on: August 25, 2020 | Back | Print

Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Việt Nam lần thứ 17
 
Cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Việt Nam về Hợp tác Thương mại, Kinh tế, Khoa học và Công nghệ dưới sự đồng chủ trì của Tiến sĩ S. Jaishankar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Ấn Độ (EAM) và Ngài Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 25 tháng 8 năm 2020.
 
2. Trong cuộc họp, hai bên đã đánh giá những bước phát triển gần đây trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ-Việt Nam và thảo luận định hướng hợp tác sâu rộng giữa hai bên trong tương lai. Hai bên nhất trí sẽ tạo thêm động lực mới cho quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa hai nước, và hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng hạt nhân dân dụng, vũ trụ, khoa học biển và công nghệ mới.
 
3. Hai bên đã trao đổi quan điểm ​​về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh tầm nhìn Atmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự cường) của Thủ tướng về việc tăng cường khả năng phục hồi thông qua quá trình tự cường và toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm, để làm cơ sở cho sự phục hồi kinh tế của Ấn Độ. Ngoại trưởng mời Việt Nam tận dụng năng lực và nhu cầu kinh tế mới của Ấn Độ.
 
4. Ngoại trưởng Ấn Độ tái khẳng định Ấn Độ sẽ hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cho Việt Nam thông qua các sáng kiến ​​như Dự án Tác động Nhanh (QIP), sáng kiến học bổng ITEC và ​​e-ITEC, học bổng bậc Tiến sỹ, cũng như các dự án về quản lý tài nguyên nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), kết nối số và bảo tồn di sản. 12 dự án QIP được lên kế hoạch để thực hiện ở Việt Nam đã được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt, bao gồm 7 dự án QIP liên quan đến quản lý tài nguyên nước ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và 5 dự án QIP liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục ở Việt Nam.
 
5. Biên bản ghi nhớ về “Hợp tác giữa Viện Ngoại giao Sushma Swaraj (SSIFS), New Delhi và Học viện Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội” và “Biên bản ghi nhớ giữa Tổ chức Hàng hải Quốc gia, New Delhi và Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Hà Nội” cũng được ký bên lề của cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp.
 
6. ​Dựa trên những tương đồng mạnh mẽ trong các quan điểm về nhiều vấn đề toàn cầu và trong khu vực, cả hai bên đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương bao gồm cả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nơi mà cả Ấn Độ và Việt Nam đều là thành viên không thường trực trong năm 2021. Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn khu vực quan trọng trong khuôn khổ của ASEAN. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ thể hiện sự hỗ trợ hoàn toàn của Ấn Độ với vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay và đánh giá cao sự lãnh đạo tích cực của Việt Nam với ASEAN trong một năm mà cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19.
 
7. Ấn Độ và Việt Nam cũng nhất trí tăng cường hợp tác song phương theo sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPOI) và tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương để đạt được an ninh, thịnh vượng và phát triển cho tất cả trong khu vực. Ấn Độ mời Việt Nam cùng hợp tác trong một trong bảy trụ cột của IPOI.